TIN TỨC
Danh mục
Bài viết mới nhất

Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục đón Tết đặc sắc

-21/04/2025

Xuân xuân ơi xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến”. Chắc hẳn chúng ta đã rất quen thuộc với giai điệu này mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tết Nguyên Đán đã không còn xa lạ đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, là dịp mà mỗi gia đình quây quần, sum vầy bên nhau một năm dài học tập và làm việc không ngơi nghỉ. 

Vậy nhưng bạn có biết về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán không? Trong bài viết này, hãy cùng tôi tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cùng những phong tục đón Tết Nguyên Đán của người Việt Nam chúng ta. 

Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục đón Tết đặc sắc

1. Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán, hay còn gọi là Tết Cổ Truyền, là ngày lễ quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc nhất trong đời sống văn hóa của người Việt. Đây là dịp đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo âm lịch, thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch tùy theo từng năm.

Khác với Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán gắn liền với chu kỳ thời gian của người Á Đông, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên, trời đất trong tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời. Theo tiếng Hán, “Nguyên” nghĩa là bắt đầu, “Đán” nghĩa là buổi sáng sớm. Như vậy, Tết Nguyên Đán chính là “buổi sớm đầu tiên của năm mới”, mang hàm nghĩa mở đầu cho một chu kỳ mới đầy hy vọng.

Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán là gì?

Ngày nay, khái niệm Tết Nguyên Đán vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi nhưng đang có nhiều cách tiếp cận mới, đặc biệt trong giới trẻ và các gia đình thành thị. Thay vì chỉ xoay quanh cúng lễ và sum họp, Tết còn là dịp để trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng, hoặc kết nối qua công nghệ như lì xì online, chúc Tết qua video call.

Tuy vậy, dù hình thức có thay đổi, thì bản chất Tết vẫn là biểu tượng của sự khởi đầu, hy vọng và đoàn viên, một dịp gắn kết các thế hệ người Việt dù ở bất kỳ đâu.

Sau khi hiểu rõ hơn về khái niệm ngày Tết Nguyên Đán, chúng ta sẽ cùng đi ngược dòng thời gian để khám phá cội nguồn sâu xa của cái Tết cổ truyền này.

Xem thêm: Bài cúng tất niên 2026 - Văn khấn trong nhà, ngoài trời, cơ quan

2. Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Về nguồn gốc của Tết Nguyên Đán, ở mỗi thời, các nhà nghiên cứu đều tìm hiểu nhưng chưa thực sự tìm được câu trả lời chính xác về nguồn gốc của ngày lễ này. Nhưng Tết Nguyên Đán có lịch sử hình thành lâu đời. 

Theo GS.TS, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, trong bài viết đăng trên tạp chí Indochine số 74 và 75 ngày 12/12/1942 (sau này được dịch và in lại bởi MaiHaBooks trong cuốn Tết Việt Nam xưa), Tết âm lịch là ngày lễ được người Việt tổ chức một cách long trọng và quan trọng nhất trong năm.

Lịch âm ở châu Á dựa trên chu kỳ vận hành của mặt trăng, trong đó mỗi tháng mới bắt đầu từ ngày trăng non. Năm mới âm lịch bắt đầu vào ngày trăng đầu tiên xuất hiện sau khi mặt trời vượt qua chí tuyến Nam, dấu hiệu cuối cùng của mùa đông. Bởi vậy, Tết gắn liền với cả sự chuyển động của mặt trăng và mặt trời. 

Tết đánh dấu thời điểm mở đầu mùa xuân, thường rơi vào khoảng 10 ngày cuối tháng Một đến ngày mùng 3 tháng Hai dương lịch. Tên gọi "Tiết Nguyên đán" có nghĩa là "buổi sáng khởi đầu", tượng trưng cho sự bắt đầu của năm, của tháng và của mùa. Một thời khắc linh thiêng nhất trong năm. Đó là buổi sáng mang điềm lành, mở đầu cho chuỗi những ảnh hưởng tốt đẹp từ chu kỳ của mặt trăng.

Nhà sử học Trần Văn Giáp, trong bài viết “Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam” công bố năm 1963 (do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I giới thiệu), đã chỉ ra rằng từ “Tết” vốn bắt nguồn từ chữ Hán “Tiết”, mang nghĩa là “thời tiết”, tức là “bát tiết” và “khí tiết”.

Theo cách hiểu trong Hán văn, “bát tiết” là tám mốc thời điểm đánh dấu sự thay đổi khí hậu trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, bao gồm: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.

Tuy nhiên, trong văn hóa Việt Nam, khái niệm “Tết” hay “Tiết” còn gắn liền với lễ hội, những dịp sum họp vui vẻ. Do đó, “bát tiết” trong truyền thống Việt không còn là các mốc lập - phân - chí như trên, mà là tám ngày Tết quan trọng có lễ cúng, bao gồm: Tết Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân và Đông chí.

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Trong số đó, Nguyên đán là ngày tết mở đầu năm mới, còn được gọi là “Tết Cả”, ngày tết lớn nhất trong năm. Vào những dịp lễ này, đình, chùa, đền, miếu đều tổ chức cúng lễ long trọng. Các nhà thờ họ, cũng như mỗi gia đình, đều chuẩn bị cỗ bàn để tưởng nhớ tổ tiên và tổ chức hội họp vui vẻ, đầm ấm.

Hai chữ “Nguyên đán” là một danh từ chữ Hán, theo sách cổ, sau thời nguyên thủy người ta đã biết định ra thế nào là một năm, thì lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là Nguyên đán. “Nguyên” nghĩa là đầu; “đán” nghĩa là buổi sớm; “Nguyên đán” là buổi sớm đầu năm…

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong cuốn Tập tục đời người, người Việt xưa sử dụng nông lịch, tức âm lịch, được xây dựng dựa trên chu kỳ quay của mặt trăng quanh trái đất. Tuy vậy, lịch này cũng đồng thời tính đến 24 tiết khí, những mốc thời gian quan trọng phản ánh sự vận hành của trái đất quanh mặt trời, với bốn điểm gốc là Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.

Tết Nguyên đán, theo đó, diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng Giêng, đánh dấu sự khởi đầu một năm mới, bên cạnh đó mở ra một chu kỳ canh tác mới trong đời sống người nông dân. Đây là thời điểm chuyển giao thiêng liêng giữa trời đất và cũng là dịp để con người làm mới lại mọi sự trong cuộc sống, từ niềm tin, ước nguyện đến hành động.

Trong cuốn Bắc kỳ tạp lục, tác giả người Pháp Henri Emmanuel Souvignet viết rằng: “Tết Nguyên đán hay Tết đầu năm bắt đầu với lễ tế giao thừa lúc nửa đêm, vào đúng thời khắc năm cũ qua đi (giao) và năm mới tới (thừa), chính vì thế mà có cái tên Tế giao thừa để gọi lễ này"

Ngoài nguồn gốc lịch sử, Tết Nguyên Đán còn được lý giải qua truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày”, kể về Lang Liêu, người con hiếu thảo đã dâng lễ vật tượng trưng cho trời và đất lên vua Hùng để bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong mùa màng tốt lành.

Hiểu rõ nguồn gốc sẽ giúp chúng ta trân trọng hơn mỗi nếp văn hóa tưởng chừng quen thuộc trong dịp Tết. Vậy vì sao Tết Nguyên Đán lại có sức sống bền vững đến thế. Câu trả lời nằm ở ý nghĩa sâu xa của Tết trong đời sống tinh thần người Việt.

Đọc thêm: Ý nghĩa của việc cúng giao thừa ngoài trời năm Bính Ngọ 2026

3. Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán

Từ xa xưa đến nay, Tết Nguyên Đán vẫn gắn liền với đời sống người dân Việt Nam. Từ tinh thần đoàn viên đến khát vọng tái sinh và phát triển, Tết là một trong những biểu tượng văn hóa sâu sắc nhất gắn liền với ký ức trong nhiều thế hệ người dân Việt Nam. 

3.1. Tết là thời khắc của đoàn tụ và gắn kết gia đình

Trong bối cảnh xã hội ngày càng bận rộn, Tết trở thành một dịp đặc biêt để các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau. Đây là dịp mà dù bạn có ở xa đến đâu, làm gì, cũng đều mong mỏi được trở về “ăn Tết cùng gia đình”. Tết còn là lúc để mọi người được nhìn lại một năm, trò chuyện với nhau, từ đó thấu hiểu và gắn kết nhau hơn. Gắn kết gia đình chính là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. 

Điều này làm tôi nhớ đến giai điệu quen thuộc của bài hát “Đi về nhà” của nam rapper Đen Vâu và ca sĩ JustaTee:

“… Cả năm trời làm việc nhiều khi rã rời như cái máy oh

Về nhà thấy áp lực nhẹ như bấc thổi cái là bay (thổi cái là bay)

Ấm êm hơn bếp lửa ngọt bùi hơn lúa non

Nhà vẫn luôn ở đó mong chờ những đứa con”

3.2. Tết là biểu tượng của sự khởi đầu và tái sinh

Tết Nguyên Đán cũng là dịp để mỗi người bắt đầu một khởi đầu mới: dọn dẹp nhà cửa, hóa giải hiềm khích, xua tan điều xui và mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp. Tết là lúc chúng ta nhìn lại những gì đã qua, trân trọng điều đang có và đặt ra kỳ vọng mới cho năm tới.

Khái niệm "tân niên" là biểu tượng cho việc mang một tinh thần mới. Chúng ta nên khởi đầu một năm mới với tâm thế tích cực. Việc lì xì, chúc Tết, khai bút đầu năm hay hái lộc đầu xuân chính là cách con người vào gieo niềm tin vào năm mới vui vẻ, hạnh phúc.

Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán
Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán

3.3. Tết gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc

Tết Nguyên Đán gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Những phong tục truyền thống trong Tết Nguyên Đán như dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, cúng ông Công ông Táo, chúc Tết, lì xì đầu năm... đã được lưu truyền qua bao thế hệ, góp phần gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa lâu đời. Tết chính là sợi dây kết nối quá khứ , hiện tại , tương lai của văn hóa Việt Nam.

Tết Nguyên Đán vừa mang sự ấm áp, vừa là sự khởi đầu, cũng vừa là giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước Việt Nam. 

Tham khảo: Phong tục "mở hàng" và những lưu ý với shop khi mở hàng

4. Những phong tục truyền thống Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Mỗi phong tục truyền thống trong Tết Nguyên Đán ở Việt Nam gắn liền với niềm tin, khát vọng và bản sắc của người Việt.

4.1. Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa

Trước Tết khoảng một tuần, các gia đình sẽ tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa, mua sắm hoa Tết, treo câu đối, thay khăn trải bàn hay rèm cửa mới… Hoạt động này là mong muốn đón một năm mới thật khang trang, sạch sẽ, vừa mang ý nghĩa gột rửa những điều không may của năm cũ để đón tài lộc và may mắn trong năm mới.

4.2. Gói bánh chưng, bánh tét

Một trong những phong tục đậm chất truyền thống nhất là gói bánh chưng (miền Bắc) và bánh tét (miền Nam). Hai loại bánh này tượng trưng cho đất trời, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong no đủ quanh năm. Đây cũng là khoảnh khắc gắn kết gia đình, nơi các thế hệ cùng nhau trò chuyện, chia sẻ bên bếp lửa hồng.

Gói bánh chưng, bánh tét
Gói bánh chưng, bánh tét

4.3. Lễ cúng Giao thừa

Lễ Giao thừa (đêm 30 Tết) là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vào ngày này, người dân Việt Nam sẽ chuẩn bị đồ để thực hiện việc cúng giao thừa. Cúng giao thừa còn được gọi là Trừ tịch, tức là trừ khử ma quỷ, những điều xui xẻo, không may mắn của năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới tốt đẹp hơn. Gia đình thường bày mâm cúng ngoài trời (cúng trời đất) và trong nhà (cúng tổ tiên). Sau nghi lễ, mọi người sẽ chúc Tết nhau, hái lộc, hoặc xin chữ đầu năm.

4.4. Chúc Tết, mừng tuổi, lì xì

Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm là nét văn hóa thể hiện sự kính trọng, cầu chúc điều tốt lành cho người thân. Người lớn chúc phúc cho con cháu, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Lì xì (đặt trong bao đỏ) là biểu tượng của may mắn, tài lộc.

Chúc Tết, mừng tuổi, lì xì
Chúc Tết, mừng tuổi, lì xì

4.5. Du xuân, hái lộc đầu năm

Sau mùng Một, người dân thường đi lễ chùa, xin lộc đầu xuân hoặc thăm hỏi họ hàng, bạn bè. Hành động hái lộc mang ý nghĩa cầu mong may mắn. Còn những chuyến du xuân là dịp để bắt đầu cho một năm mới suôn sẻ, sung túc và bình an. 

4.6. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

Vào ngày đầu năm mới, bạn sẽ thấy những người bán hàng hay bán những túi muối. Vậy tại sao lại có hoạt động bán và mua muốn vào ngày đầu năm. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

4.7. Chơi hoa dịp Tết

Đối với người Việt Nam, thú chơi hoa ngày Tết là nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ bao đời nay. Hai loài hoa đặc trưng cho dịp Tết cổ truyền là hoa đào ở miền Bắc và hoa mai ở miền Nam. Gần như gia đình nào cũng sẽ chọn mua một cành đào, cây mai để trang hoàng nhà cửa, mang sắc xuân về tổ ấm. Bên cạnh đó, nhiều loại cây có trái như quất cảnh, quýt cảnh, bưởi tạo hình,... cũng được ưa chuộng để trang trí, tạo thêm không khí sum vầy, ấm áp trong những ngày đầu năm mới.

Chơi hoa dịp Tết
Chơi hoa dịp Tết

Những phong tục của Tết cổ truyền Việt Nam rất đa dạng và mang đậm ý nghĩa của ngày lễ này.

Xem thêm: Xông đất đầu năm Bính Ngọ - Hướng dẫn chọn tuổi xông nhà 2026

5. Những điều kiêng kỵ trong Tết Nguyên Đán

Bên cạnh những phong tục mang tính cầu may, còn có những điều kiêng kỵ bạn không nên làm trong ngày Tết, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian và quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”. Ngoài ra, việc không thực hiện những điều kiêng kỵ còn mang ý nghĩa giữ gìn không khí Tết hòa thuận, an lành. 

5.1. Không quét nhà, đổ rác vào mùng Một

Theo quan niệm dân gian, ngày mùng Một Tết là ngày Thần Tài, Thần Lộc “ghé thăm” nhà, việc quét nhà hoặc đổ rác sẽ đồng nghĩa với việc “quét lộc, đổ lộc” ra khỏi cửa. Vì vậy, nhiều gia đình thường quét dọn sạch sẽ từ ngày 29, 30 Tết và tạm ngưng việc vệ sinh nhà cửa trong ngày đầu năm.

5.2. Tránh nói điều xui xẻo hoặc tranh cãi, mắng mỏ

Tết là thời điểm “đầu năm khai khẩu”, nên những lời nói tiêu cực, xui xẻo, than thở… đều được cho là điềm không lành. Việc cãi vã, lớn tiếng, hay mắng mỏ trong ngày đầu năm cũng bị xem là phá hỏng “khí lành”, ảnh hưởng đến hòa khí gia đình.

Tránh nói điều xui xẻo hoặc tranh cãi, mắng mỏ
Tránh nói điều xui xẻo hoặc tranh cãi, mắng mỏ

5.3. Không cho lửa, cho nước hoặc vay mượn đầu năm

Lửa và nước trong văn hóa Á Đông tượng trưng cho vận khí và tài lộc. Cho người khác lửa (bật lửa, nhang đèn…) hay nước đầu năm được xem là cho đi lộc may của chính mình. Tương tự, việc vay mượn tiền bạc, đồ đạc trong ngày Tết cũng bị xem là dễ khiến tài chính cả năm bị “lủng túi”, hao hụt.

5.4. Kiêng làm vỡ đồ đạc

Làm rơi vỡ chén bát, gương, ly trong dịp Tết bị coi là điềm báo rạn nứt, chia ly, đặc biệt là trong mối quan hệ gia đình. Vì vậy, nhiều gia đình thường sử dụng đồ dùng chắc chắn, hạn chế dùng thủy tinh dễ vỡ trong những ngày đầu năm.

Kiêng làm vỡ đồ đạc
 Kiêng làm vỡ đồ đạc

5.5. Tránh mặc đồ đen, trắng trong ngày Tết

Trong tâm thức truyền thống, màu đen và trắng thường gắn liền với tang lễ, không phù hợp với không khí tươi vui, rực rỡ của ngày Tết. Thay vào đó, mọi người thường chọn trang phục có màu sắc may mắn như đỏ, vàng, hồng, vừa hợp quan niệm phong thủy vừa tạo tâm lý tích cực.

5.6. Không ăn món “xui” trong mâm cỗ Tết

Một số món ăn được dân gian kiêng kỵ trong mâm cơm đầu năm như: mực (đen đủi), cá mè (mè nheo), vịt (chìm đắm)… Tuy nhiên, phong tục này có sự khác nhau tùy vùng miền. Mỗi gia đình có thể linh hoạt chọn món ăn phù hợp, nhưng điều quan trọng là nên tránh lời ra tiếng vào khi dùng bữa, để bữa cơm đầu năm trọn vẹn ý nghĩa.

Đọc thêm: Cách trang trí bàn thờ ngày Tết 2026 và những kiêng kỵ cần lưu ý

6. Sự khác nhau giữa Tết Nguyên Đán xưa và nay

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng cách người Việt đón Tết đã có nhiều thay đổi theo thời gian. Những chuyển biến trong đời sống xã hội, công nghệ, lối sống và tâm lý thế hệ đã tạo nên sự khác biệt đáng kể giữa Tết xưa và nay. Tuy nhiên, dù có sự khác biệt nhưng tinh thần cốt lõi của Tết vẫn hiện hữu theo cách riêng trong mỗi gia đình.

6.1. Không khí chuẩn bị

Tết xưa bắt đầu từ rất sớm, có khi là cả tháng Chạp. Người dân thu xếp công việc đồng áng, gói ghém từng món ăn Tết thủ công, chuẩn bị áo mới cho con trẻ, và đặc biệt là dành thời gian lau dọn, trang hoàng nhà cửa như một nghi thức gột rửa cả năm cũ.

Ngày nay, nhịp sống công nghiệp khiến thời gian chuẩn bị Tết bị rút ngắn đáng kể. Nhiều người phải làm việc đến sát Tết, chọn cách mua đồ Tết online hoặc đi siêu thị thay vì tự tay chuẩn bị như xưa. Tết hiện đại tiện lợi và nhanh gọn hơn, nhưng cũng đôi phần thiếu đi sự háo hức từ bên trong mỗi gia đình.

Sự khác nhau giữa Tết Nguyên Đán xưa và nay
Sự khác nhau giữa Tết Nguyên Đán xưa và nay

6.2. Không gian đón Tết

Nếu Tết xưa gắn chặt với việc đoàn tụ gia đình thì Tết nay đã mở rộng ra nhiều không gian khác. Tết ngày nay, có những gia đình chọn ở thành phố, khu nghỉ dưỡng, thậm chí ở nước ngoài. Một bộ phận giới trẻ chọn du lịch Tết, khám phá vùng đất mới thay vì ăn Tết theo kiểu truyền thống.

6.3. Hình thức giao tiếp Tết

Tết xưa là thời điểm hàng xóm, họ hàng sang chúc Tết, ngồi bên nhau ăn bánh mứt, trò chuyện hàng giờ. Ngày nay, mạng xã hội và công nghệ đã làm thay đổi đáng kể cách giao tiếp ngày Tết: lì xì online, chúc Tết qua video call, gọi nhóm, gửi thiệp điện tử…

Mặc dù đã mất đi không khí ấm áp trong những buổi đoàn tụ trực tiếp nhưng công nghệ cũng giúp rút ngắn khoảng cách địa lý, nhất là với người đi làm xa quê hay sinh sống ở nước ngoài.

Tết Nguyên Đán là một nét văn hóa rất đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, mỗi phong tục đều chứa đựng ý nghĩa rất sâu sắc. Tết Nguyên Đán cũng là dịp để mỗi người nhìn lại hành trình cũ và khởi đầu một hành trình mới đầy hy vọng. Hãy khởi đầu năm mới của bạn bằng những lời chúc, những hành động tốt đẹp dành cho bản thân và những người xung quanh. 

social
5/5 (1 vote)

Nhanh.vn - Phần mềm bán hàng đa kênh

Tốt nhất, được sử dụng nhiều nhất
Hơn 100.000 cửa hàng đã tin dùng
Dùng thử miễn phí

CÔNG TY CỔ PHẦN NHANH.VN

Địa chỉ: 170 Đê La Thành, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Số Giấy CNĐKDN: 0108824877, đăng kí lần đầu ngày 17/07/2019. Nơi cấp: Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội - Phòng đăng kí kinh doanh

Địa chỉ văn phòng:

Toà nhà GP Invest, 170 La Thành, Đống Đa, Hà Nội

Tầng 3, Số 70 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh

Tài khoản ngân hàng:

Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank)

Số tài khoản: 22823456666

Chủ tài khoản: Công ty cổ phần Nhanh.vn

Tải mobile app: Nhanh.vn

Nhanh.vn Android App Nhanh IOS App

Tài liệu cho developer

API Documentation

Lĩnh vực kinh doanh:

- Phần mềm quản lý bán hàng

- Thiết kế website

- Cổng vận chuyển

Điều khoản và chính sách và chính sách sử dụng các dịch vụ phần mềm